Thời gian vừa qua, giá đất nền tại nhiều tỉnh thành bị đẩy lên cao ảnh hưởng đến việc đầu tư và mở rộng sản xuất của người dân. Tuy nhiên, cơn sốt đất lần này đã hạ nhiệt khá nhanh so với cơn sốt đất trước đó. Nguyên nhân của tình trạng giá cao không giữ được lâu là do người bán thì nhiều mà người mua thì ít và nhất là sự siết chặt chuyển nhượng đối với các dự án chưa đủ tính pháp lý.

Thời gian qua, giá đất nền tại nhiều tỉnh, thành được đẩy lên cao, thậm chí gấp đôi, gấp ba so với giá trước đây. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Cụ thể là, giá đất nền tại nhiều tỉnh, thành được đẩy lên cao, thậm chí gấp đôi, gấp ba so với giá trước đây. Điển hình, giá đất thổ cư có nơi tăng gấp 5 lần so với đầu năm 2020. Nhiều người bỏ cả công việc để lao vào cơn sốt mua bán đất. Trước thực trạng này, một loạt lãnh đạo các địa phương đã ra văn bản chấn chỉnh, siết việc giao dịch đất đai bất hợp pháp. Kết quả là trong 2 tuần trở lại đây, tình hình giao dịch đất nền trên thị trường đã chững lại.
Tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tình hình giao dịch bất động sản hiện khá yên ắng, sau cơn sốt đất "dậy sóng", tăng 20 - 30% vài tuần trước. Nguyên nhân là do có thông tin thị xã này sẽ trở thành TP Từ Sơn, trực thuộc tỉnh vào cuối năm nay. Giá đất tại nhiều khu vực hiện cao ngang với đất tại một số quận mới của Hà Nội.
Tại các địa phương khác như: các huyện ngoại thành Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Phước, Quảng Ninh, giao dịch đất nền cũng đã chậm lại. Những cảnh tập trung đông người tấp nập mua bán, đi xem đất đã giảm bớt, thậm chí là vắng vẻ hoàn toàn. Tuy nhiên theo ghi nhận, giá đất vẫn neo ở mức cao, có chăng chỉ giảm 1 - 2 triệu đồng/m2.
Tuy cơn sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng có thể rất dễ dàng bùng phát trở lại và giá đất sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để hạ xuống. Bởi trong bối cảnh hiện nay, đang có nhiều dòng tiền chảy vào bất động sản như: kiều hối, tiền chốt lời chứng khoán, tiền lãi trái phiếu, vốn FDI… Điều này đặt ra một yêu cầu là cần phải bàn bạc và đưa ra các giải pháp để “chặn” tình trạng “sốt đất”.
|